Website Trường Mầm Non Đại Đồng – Đại Lộc – Quảng Nam

SKKN “Một vài biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi’’

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN YÊU CẦU CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN

Kính gửi: Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm huyện Đại Lộc
Tôi (chúng tôi) ghi tên dưới đây:

TT
Họ và tên
Ngày tháng năm sinh
Nơi công tác (hoặc nơi thường trú)
Chức danh
Trình độ chuyên môn Tỷ lệ (%) đóng góp vào việc tạo ra sáng kiến

1
Ông Thị Trúc
21/07/1987
Trường MN Đại Đồng

GV
ĐHSP MN
100%
Là tác giả (nhóm tác giả) đề nghị xét công nhận sáng kiến: “Một vài biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi’’
1. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến (trường hợp tác giả không đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến): Ông Thị Trúc
2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Các biện pháp sư phạm giúp trẻ phát huy mọi tiềm lực trong mọi hoạt động trên cơ sở lấy trẻ làm trung tâm tại lớp Nhỡ 1 trường mầm non Đại đồng .
3. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử (bắt buộc phải ghi để làm cơ sở đánh giá tính khả thi, hiêu quả của sáng kiến): Ngày 10 tháng 10 năm 2019
4. Mô tả bản chất của sáng kiến (đề nghị ghi rõ để làm cơ sở xét sáng kiến, nếu bỏ qua các bước này thì sáng kiến có thể không đề nghị công nhận)
Lúc sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”
Đó phải chăng là lời nhắn nhủ đối với chúng ta, những người đi ươm mầm cho tương lai của đất nước, các cháu đang lớn lên từng ngày từng giờ dưới bàn tay chăm lo dạy dỗ của các cô giáo, là những người ngày đêm miệt mài vì đàn em thân yêu. Chúng ta hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ. Bởi trẻ em là những người chủ tương lai của đất nước, đang mang những trọng trách lớn lao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta đi lên sánh vai cùng với bè bạn Năm Châu .
Với vai trò to lớn ấy, bậc học mầm non được xem là bậc học nền tảng, là cơ sở, tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo. Do vậy, mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục mầm non là vô cùng quan trọng, giúp các em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em bước vào lớp một ở trường phổ thông. Việc giúp trẻ lĩnh hội được các nội dung kiến thức để hoàn thiện bản thân là mong muốn không chỉ riêng của nhà trường, gia đình mà là mong muốn chung của toàn xã hội. Để giúp trẻ phát triển tốt thì ta cần tạo tiền đề vững chắc cho trẻ ngay từ khi trẻ bước vào mẫu giáo, đặc biệt chú trọng việc chăm sóc giáo dục, trang bị vốn kiến thức, các kỹ năng, kỹ xảo cho trẻ, bởi các cháu cần được giáo dục một cách toàn diện nhất. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là một yêu cầu hết sức cần thiết và không thể thiếu trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ.
4.1 Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết (phân tích ưu điểm, nhược điểm của nó)”:
Năm học 2019 – 2020 bản thân tôi được phân công dạy lớp mẫu giáo 4-5 tuổi với tổng số cháu là 30. Bước vào thực hiện đề tài này lớp tôi có những thuận lợi và gặp những khó khăn như sau:
* Thuận lợi:
– Nhà trường đầu tư đầy đủ dồ dùng trang thiết bị đảm bảo cho việc học tập và sinh hoạt của trẻ.
– Đa số các cháu đã học qua lớp mẫu giáo 3-4 tuổi , trẻ năng động đi học đều có nề nếp.
– Ban giám hiệu thường xuyên chỉ đạo sát sao việc đổi mới hình thức phương pháp giáo dục trẻ.
– Bản thân tôi là một giáo viên luôn yêu nghề, mến trẻ, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm chăm sóc giáo dục trẻ.
– Nhà trường đầu tư về môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở mọi nơi trong khuôn viên tạo điều kiện cho trẻ hoạt động mọi lúc mọi nơi.
* Khó khăn:
– Trong những năm qua giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã được thực hiện nhưng việc tổ chức các hoạt động còn độc lập, tách rời mang nặng cung cấp kiến thức cho trẻ chưa phát huy được tính tích cực ,chủ động ,sáng tạo của trẻ, đánh giá trẻ hằng ngày còn chung chung, chưa thể hiện việc quan sát các biểu hiện,các hành vi cũng như khả năng tiếp thu kiến thức kĩ năng của mỗi trẻ. Tạo môi trường học tập cho trẻ là việc làm đã được thực hiện từ lâu nhưng nhìn chung chỉ mang tính chất hình thức để trang trí theo đúng chủ đề chưa xuất phát từ trẻ chưa kích thích tính tò mò, khám phá của trẻ, khi học và chơi trẻ còn đang rất thụ động.
– Phương pháp tổ chức các hoạt động trong chương trình còn rập khuôn chưa sáng tạo còn cứng nhắc, việc thực hiện các hoạt động vui chơi vẫn rơi vào tình trạng giáo viên làm trung tâm.
– Đồ dùng đồ chơi chưa thực sự phong phú về chủng loại, chưa có nhiều đồ dùng đồ chơi làm từ nguyên vật liệu mở.
– Việc quan tâm chăm sóc con em của một bộ phận cha mẹ trẻ còn hạn chế. Cha mẹ trẻ chưa nắm rõ quan điểm giáo dục hiện nay, sự hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục trẻ chưa cao.
Từ những lý do trên mà năm học 2019-2020 tôi chọn đề tài “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi’’ để mở ra một hướng đi mới cho bản thân trong việc đổi mới phương pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ.
4.2 Nêu nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm của giải pháp đã biết:
Để thực hiện được đề tài này bản thân tôi đưa ra một số nội dung như sau:
– Tự học tự bồi dưỡng nâng cao nhận thức và phương pháp về “ dạy học lấy trẻ làm trung tâm”
– Xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
– Tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
– Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
– Làm và sử dụng đồ dùng đồ chơi
– Phối kết hợp với cha mẹ học sinh
4.3 Nêu các điều kiện, phương tiện cần thiết để thực hiện và áp dụng giải pháp:
– Tạo được môi trường cho trẻ hoạt động theo hướng lấy trẻ làm trung tâm
– Xây dựng kế hoạch lấy trẻ làm trung tâm.
– Có nhiều đồ dùng đồ chơi cho trẻ hoạt động.
– Tạo hứng thú cho trẻ trong quá trình tổ chức các hoạt động.
– Có nhiều hoạt động cho trẻ thực hành kỹ năng cùng cô và bạn.
– Tạo nhiều tình huống để được trãi nghiệm, xử lý, học hỏi.
– Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc rèn kĩ năng học tập cho trẻ
4.4 Nêu các bước thực hiện giải pháp, cách thức thực hiện giải pháp (nhằm để giải quyết các vấn đề đã nêu trên):
Biện pháp 1. Tự học, tự bồi dưỡng nâng cao nhận thức và phương pháp về “Dạy học lấy trẻ làm trung tâm”.
– Nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học tự bồi dưỡng, nên bản thân tôi luôn tham gia đầy đủ các buổi bồi dưỡng chuyên môn do Phòng Giáo Dục và Đào tạo tổ chức, các buổi sinh hoạt chuyên môn tại trường, lắng nghe và ghi chép một cách nghiêm túc, mạnh dạn trao đổi với đồng nghiệp những vấn đề còn chưa rõ, chưa hiểu về đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, tôi còn tìm kiếm những tài liệu, sách vở về đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, kỹ năng nghiệp vụ của giáo viên và tự đọc, tự nghiên cứu để rút ra những vấn đề cần thiết cho bản thân. Bên cạnh đó, tôi còn học tập tốt chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo kế hoạch của bản thân và của nhà trường.
– Ngoài việc tự học trên sách vỡ, tài liệu tôi còn học trên internet và đăng ký dạy thao giảng chuyên đề cấp tổ để cán bộ quản lý nhà trường và đồng nghiệp dự giờ, thông qua các hoạt động tôi được nghe đồng nghiệp thảo luận, góp ý rút kinh nghiệm, được nghe các đồng chí cán bộ quản lí phân tích cụ thể các hoạt động dạy đó là hoạt động dạy đã đổi mới chưa? Đổi mới ở chỗ nào? Đã lấy trẻ làm trung tâm chưa? và hoạt động dạy đó thực sự mang lại hiệu quả chưa?… Từ đó rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và việc vận dụng lấy trẻ làm trung tâm vào quá trình giảng dạy.
(Hình 1: Hình ảnh tham gia thao giảng hoạt động LQVH)
Biện pháp 2: Xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
– Xây dựng kế hoạch là một biện pháp quan trọng trong quá trình thực hiện những việc cần làm của giáo viên. Việc lập kế hoạch giáo dục giúp tôi thực hiện đúng mục tiêu giáo dục một cách đầy đủ, có hệ thống, giúp tôi dự kiến trước nội dung, thời gian để tổ chức các hoạt động một cách hiệu quả.
– Xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm để xác định các nội dung phù hợp nhất đối với từng trẻ trong lớp mình. Qua đó có điề kiện quan tâm đến trẻ hơn, biết những thế mạnh,tiến bộ của mỗi trẻ để có những biện pháp giáo dục phù hợp.
– Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được xem như một quan điểm dạy học chi phối cả mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và cả quan điểm dạy học. Do vậy, để xây dựng được kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm một cách hiệu quả, tôi đã quan tâm và thực hiện các việc làm sau:
* Xây dựng mục tiêu:
– Xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được thể hiện ngay từ việc xác định mục tiêu và cách viết mục tiêu. Vì vậy, khi xác định mục tiêu trong kế hoạch bản thân tôi đã dựa vào những yếu tố sau:
+ Yếu tố thứ nhất là khả năng tiếp thu kiến thức, nhu cầu học tập khám phá, sở thích, hứng thú của từng trẻ trong lớp tôi phụ trách, để biết được khả năng của trẻ tôi đã theo dõi, quan sát trẻ hàng ngày, hằng tuần, hằng tháng.
+ Yếu tố thứ hai là nội dung giáo dục cho từng độ tuổi (trong chương trình giáo dục mầm non). Ngoài ra, tôi căn cứ vào nhu cầu mong muốn của cha mẹ trẻ muốn trẻ có những kiến thức, kỹ năng nào để phù hợp với điều kiện sống của trẻ trong cộng đồng. Từ đó, tôi xác định mục tiêu phù hợp khả năng, kinh nghiệm sống của trẻ, đáp ứng được yêu cầu của chương trình, phù hợp với địa phương, với trường lớp của tôi.
– Khi xác định mục tiêu tôi luôn hướng vào trẻ, nghĩa là trẻ sẽ làm được gì? Sẽ như thế nào sau một năm học (kế hoạch năm), sau 1 tháng (kế hoạch tháng) và sau một tuần, ngày (kế hoạch giáo dục tuần, ngày). Do đó, mục tiêu giáo dục, nhất là mục tiêu cho một hoạt động đặt ra cần cụ thể và có khoảng thời gian nhất định để đạt được mục tiêu mình đưa ra.
Ví dụ: Mục tiêu giáo dục lĩnh vực phát triển nhận thức
Mục tiêu giáo dục năm Mục tiêu tháng Mục tiêu giáo dục ngày
Phát triển nhận thức Tháng 4 (Chủ đề hiện tượng tự nhiên) Hoạt động ngoài trời: Quan sát hiện tượng nước đá tan ra thành nước.
Trẻ có khả năng quan sát, so sánh, phân loại, phán đoán, chú ý, ghi nhớ có chủ định Quan sát, phán đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản (Trời sắp mưa, trời nắng to,..) – Kiến thức: Giúp trẻ nhận biết được sự tan ra của nước đá khi nhiệt độ ấm lên (Quá trình đá tan thành nước).
– Kỹ năng: Quan sát, phán đoán hiện tượng đá tan ra thành nước, khả năng so sánh, ghi nhớ.
– Thái độ: Có ý thức bảo vệ cơ thể, không nên uống nhiều nước đá và tránh xa nước sôi.
* Xây dựng nội dung giáo dục:
– Khi mục tiêu giáo dục đã được xác định tôi dựa vào mục tiêu để cụ thể nội dung của từng lĩnh vực cho trẻ ở lớp tôi theo quy định trong chương trình giáo dục mầm non.
– Những nội dung giáo dục trong kế hoạch là những nội dung cụ thể, trẻ muốn biết, gần gũi với trẻ, phù hợp với địa phương. Mục tiêu và nội dung liên quan với nhau do đó có mục tiêu thì phải có nội dung. Một mục tiêu có thể có 2-3 nội dung.
– Tôi căn cứ vào nhu cầu học tập của trẻ, những điều kiện sẵn có ở địa phương để tôi lựa chọn nội dung cho phù hợp.
+ Ví dụ: Trong chủ đề “Quê hương đất nước, Bác Hồ” tôi chọn những nội dung đơn giản gần gũi với trẻ như: “Cánh đồng quê em” (Phát triển nhận thức cho trẻ thông qua hoạt động khám phá nhằm giáo dục trẻ biết cánh đồng quê mình cho ra những sản phẩm gì? Gắn bó với người nông dân như thế nào? Từ đó trẻ biết yêu lao động sản xuất, yêu sản phẩm của quê hương).
+ Ví dụ: Ở chủ đề thế giới thực vật tôi chọn những nội dung cụ thể như hoạt động làm quen với toán đề tài “So sánh chiều dài của 2- 3 đối tượng”.
Tôi tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động trãi nghiệm thực tế( tổ chức cho trẻ đi chợ). Tôi yêu cầu trẻ mua về những sản phẩm như: Đậu que, cà rốt, đậu đũa,… Và tiến hành cho trẻ về nhóm thảo luận, mỗi nhóm là một loại rau quả. Các con có thể tìm hiểu được những gì từ những rau này? Kích thước của những loại rau này như thế nào? Cho trẻ đưa ra nhận xét về loại rau, quả mà mình quan sát. Dù trẻ nói đúng hay chưa đúng tôi vẫn khuyến khích trẻ nói và bằng những lời động viên của tôi giúp trẻ tự tin vào câu trả lời của mình. Trẻ lớp tôi rất thích thú tham gia hoạt động và tích cực trao đổi ý kiến, hoạt động học nhẹ nhàng mà đạt hiệu quả đáng kể. Tôi cảm thấy vui khi trẻ ở lớp ngày càng tiến bộ.
Biện pháp 3: Tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
– Tổ chức hoạt động luôn đặt trẻ vào trung tâm của quá trình giáo dục, có nghĩa là tạo tất cả mọi cơ hội để cho trẻ tự tham gia vào các hoạt động như trải nghiệm, giao tiếp, suy nghĩ, trao đổi với bạn và với cô. Giáo viên là người chủ động, sáng tạo, tạo mọi cơ hội, hướng dẫn, gợi mở giúp trẻ tìm hiểu kiến thức hoặc giải quyết các tình huống trong quá trình hoạt động.
– Tôi thực hiện việc tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không có nghĩa là tôi loại bỏ hoàn toàn phương pháp cũ mà về cơ bản vẫn phải tuân thủ các bước trong suốt tiến trình của hoạt đông học, vẫn phải dựa trên cơ sở phương pháp dạy đặc trưng các lĩnh vực. Tôi chỉ thay đổi hình thức là lấy trẻ làm trung tâm dựa trên sự hiểu biết, hứng thú nhu cầu của trẻ mà tôi đưa ra nội dung bài dạy, kiến thức sao cho phù hợp với trẻ, không gò bó, áp đặt trẻ theo đúng tính chất: “Học bằng chơi, chơi mà học” của trẻ mầm non.
+ Ví dụ: Khi tổ chức hoạt động phát triển nhận thức “Bé biết gì về voi”. Tôi không cho trẻ xem hình ảnh từng bộ phận và trả lời câu hỏi theo hình thức cũ mà tôi tổ chức cho cả lớp tham gia một cuộc thi gồm có các đội thi và nhiệm vụ của các đội sẽ xem một đoạn phim ngắn và tự thảo luận để trả lời các câu hỏi của cô đưa ra. Trong hoạt động tạo sản phẩm tôi chỉ đặt câu hỏi và gợi ý để trẻ suy nghĩ và cùng trẻ tạo ra sản phẩm theo suy nghĩ của trẻ.
Với những hiểu biết của bản thân về dạy học lấy trẻ làm trung tâm tôi đã tổ chức một số hoạt động như sau:
*Hoạt động trải nghiệm:
+ Ví dụ: Khi tổ chức hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ tìm hiểu về “Các loại quả gần gũi”. Trước tiên, tôi cho trẻ quan sát đĩa quả với những miếng được cắt trên đĩa, tôi cho trẻ được nếm thử một vài loại quả. Sau đó, tôi sử dụng câu hỏi mở để khuyến khích trẻ tự nói lên hiểu biết của mình về những loại quả đó. Sau khi kết thúc hoạt động cung cấp kiến thức tôi cho trẻ về nhóm thực hành trang trí đĩa trái cây theo sự sáng tạo của trẻ. Tôi đã gây hứng thú trực tiếp cho trẻ bằng trải nghiệm (Quan sát, ngửi, nếm). Trẻ được khuyến khích và chủ động nói ra những điều mình cảm nhận được để nói lên nhận xét cá nhân. Tôi khuyến khích trẻ nói ra càng nhiều càng tốt, có thể đầy đủ hay chưa đầy đủ, đúng hay chưa đúng không quan trọng mà chỉ cần trẻ dám nói và được nói ra. Nhờ đó mà trẻ của tôi rất tự tin nói ra những điều mình suy nghĩ.
– Qua hoạt động này tôi muốn trẻ được tự điều chỉnh hiểu biết của mình qua câu trả lời của bạn, qua việc trực tiếp được nhìn quả.
– Thông qua trò chơi trẻ được cũng cố lại hệ thống kiến thức mà trẻ đã học, nhằm khắc sâu cho trẻ kiến thức cần cung cấp mà không bị nhàm chán và lặp lại.
+ Ví dụ: Trong chủ đề “Nước và hiện tượng tự nhiên”. Tôi cho trẻ được làm thí nghiệm “Vật chìm vật nổi”. Tôi phát cho trẻ các viên sỏi, miếng xốp.
Cho trẻ đoán xem khi thả các vật xuống nước vật nào sẽ nổi, vật nào sẽ chìm? Và cô cho trẻ thảo luận xem tại sao vật đó nổi, vì sao vật đó chìm?
* Hoạt động giao tiếp: Trẻ được chia sẽ với bạn bè và học từ mọi người.
+ Ví dụ: Trong chủ đề giao thông tôi chọn đề tài “Trò chuyện về những chiếc mũ bảo hiểm xinh xắn”
– Tôi đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta cần đội mũ bảo hiểm? Khi nào thì đội mũ bảo hiểm? Chất liệu của mũ bảo hiểm? Chỉ với những câu hỏi như vậy trẻ của tôi đã trả lời hăng hái và sôi nổi không mang tính gò bó.
+ Ví dụ: Trong hoạt động chơi ngoài trời tôi cho trẻ tham quan vườn hoa, chơi trò chơi dân gian, chơi trò chơi vận động để trẻ được chia sẽ với bạn và học hỏi cách chơi từ bạn.
* Hoạt động suy nghĩ: Trẻ suy nghĩ và vận dụng những điều đã lĩnh hội được vào việc giải quyết các tình huống.
+ Ví dụ: Tìm hiểu về nước và môi trường tự nhiên. Tôi đưa ra đề tài mở để trẻ trò chuyện: “Điều gì xảy ra nếu không có nước? Điều gì xảy ra nếu cây không được tưới nước?,….Tôi chia nhóm cho trẻ thảo luận sau đó cho trẻ nói lên phán đoán hoặc suy nghĩ của mình. Từ đó trẻ tôi được thu hút vào việc suy nghĩ tìm ra nguyên nhân.
* Hoạt động trao đổi: Trẻ biết diễn đạt chia sẽ suy nghĩ và mong muốn của mình.
– Khi tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tôi chỉ là người tạo cơ hội, hướng dẫn, gợi ý giúp trẻ lĩnh hội được kiến thức một cách nhẹ nhàng không gò bó cứng nhắc.
+ Ví dụ: Tôi sử dụng những câu hỏi mở để kích thích óc suy nghĩ của trẻ: Con sẽ làm gì khi con bị ốm? Con sẽ làm gì khi bạn khóc? Con nghĩ thế nào? Làm sao con biết? Tại sao con lại nghĩ như vậy? Nếu….thì sao? Nếu không…thì sao? Theo con thì điều gì/ cái gì sẽ xảy ra tiếp theo?
– Tôi thấy trẻ lớp tôi đã biết suy nghĩ và trả lời câu hỏi một cách tự tin.
Biện pháp 4: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
* Bố trí sắp xếp các góc trong và ngoài lớp phù hợp, tiện lợi, đa dạng, phong phú.
– Trong giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, thì môi trường học tập có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc học tập và tiếp thu kiến thức của trẻ. Trẻ em vốn rất hiếu kỳ, chúng tò mò mong muốn được khám phá tất cả mọi vật xung quanh chúng. Những hình ảnh, những ấn tượng mà trẻ thu nhận được trong những năm tháng tuổi thơ sẽ khắc sâu trong trí nhớ suốt cả cuộc đời của trẻ. Những điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển sau này của trẻ. Chính vì vậy, tôi luôn tâm niệm sẽ trang bị cho trẻ một thế giới tự nhiên, một môi trường học tập tốt nhất ở ngay tại khu vực lớp và trường của trẻ.
– Trước hết tôi làm đẹp môi trường lớp học từ cách bố trí, sắp xếp góc kệ trong lớp, trưng bày đồ dùng, đồ chơi sao cho hấp dẫn đẹp mắt mà vẫn gọn gàng ngăn nắp.
– Xây dựng các góc hoạt động khác nhau trong lớp nhằm tạo điều kiện cho trẻ hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ được nhiều hơn, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng hơn. Giúp trẻ tìm hiểu và khám phá cái mới, hoạt động với đồ vật và rèn luyện các kỹ năng.
– Chú trọng môi trường chữ và việc lồng ghép tiếng anh vào việc trang trí theo từng chủ đề trong năm học phù hợp với độ tuổi cuả trẻ
+ Ví dụ: Trong lớp tôi đã bố trí các góc như sau:
* Góc phân vai và góc xây dựng tôi sắp xếp khu vực phía dưới lớp, gần nhau để tạo sự liên kết giữa các nhóm chơi trong hai góc, góc xây dựng tránh xa nơi đi lại và được ngăn cách bởi máy vi tính ti vi.
( Hình 2: Hình ảnh góc xây dựng )
( Hình 3: Hình ảnh góc phân vai )
* Góc sách và góc học tập, bảng bé ngoan tôi bố trí ở phía trên cửa lớp.
( Hình 4: Hình ảnh góc sách )
( Hình 5: Hình ảnh góc học tập )
* Góc thiên nhiên, góc bé vui vận động tôi đã tận dụng hiên trước của lớp cho trẻ hoạt động thoải mái tránh sự ồn ào cho các góc khác, tiện lợi cho trẻ khám phá, chăm sóc cây, hoa…
( Hình 6: Hình ảnh góc thiên nhiên )
( Hình 7: Hình ảnh góc cùng bé vận động )
* Khu vực trên cửa ra vào tôi bố trí các góc kĩ năng sống cho bé và góc về những ngày lễ hội trong năm, bảng thời tiết, một ngày của bé
( Hình 8: Hình ảnh trên cửa chính)
* Góc nghệ thuật và trưng bày sản phẩm của trẻ được bố trí gần đường đi ra công trình vệ sinh cho trẻ thuận tiện khi cần vệ sinh lúc tay bẩn khi thực hiện.
* Góc chủ đề được bố trí nơi rộng rãi dễ nhìn thấy, trang trí chủ đề đẹp mắt phù hợp với từng chủ đề và độ tuổi của trẻ. Kết hợp môi trường chữ và tiếng anh cho trẻ làm quen.
(Hình 9: Hình ảnh góc chủ đề)
– Bên cạnh việc sắp xếp các góc tôi còn tạo ranh giới giữa các góc hoạt động như: Tận dụng các giá đồ chơi tạo ranh giới giữa các góc và tạo không gian chơi cho trẻ.
– Qua cách bố trí, sắp đặt các khu vui chơi, các góc chơi ở lớp mình tôi nhận thấy trẻ hoạt động tích cực hơn, có hiệu quả cao hơn. Trẻ được trao đổi giao lưu với nhau thoải mái mà không ảnh hưởng đến các góc khác. Trẻ có không gian riêng tư yên tĩnh để hoạt động, thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của trẻ.
* Trang trí lớp theo hướng mở, linh hoạt.
– Trang trí mục đích là phối hợp giữa các mảng hình màu sắc, đường nét, sao cho cân đối hài hòa, hợp lý trong một không gian nhất định. Đối với mầm non việc trang trí lớp thì hình ảnh không chỉ đẹp, ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt, mang tính giáo dục mà còn phải phù hợp với chủ đề, với từng góc chơi, với nội dung chơi của trẻ, đáp ứng được nhu cầu khám phá, sáng tạo, tính tò mò thích cái mới, cái lạ của trẻ.
– Từ đó tôi đã trang trí các góc chơi ở lớp mình một cách sáng tạo theo hướng mở, linh hoạt. Khi trẻ tham gia hoạt động ở các góc chơi, từ một góc chơi trẻ có thể tùy ý đổi nội dung chơi, hình ảnh, biểu tượng chơi một cách sáng tạo.
– Để thỏa mãn nhu cầu chơi, kích thích tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ tôi không chỉ trang trí trong lớp học mà tôi còn trang trí khu vực hiên chơi, hiên trước, hiên sau, … Bằng hình ảnh bắt mắt, phù hợp như: Hình ảnh các bước rửa tay, hình ảnh bé trai bé gái, một số hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh khác.
– Các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, không gian trong lớp, ngoài hiên trước hiên sau, khu vực vệ sinh để phục vụ cho trẻ sinh hoạt hằng ngày được xây dựng theo hướng lấy trẻ làm trung tâm nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Từ đó phát triển toàn diện cho trẻ về thể chất, thẩm mỹ, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội và kỷ năng sống cho trẻ.
– Từ cách trang trí đó mà trẻ lớp tôi hoạt động tích cực, hứng thú, say mê, không còn nhàm chán, rập khuôn, máy móc như trước nữa.
Biện pháp 5: Làm và sử dụng đồ dùng đồ chơi.
* Chuẩn bị đồ dùng, học liệu đa dạng, hấp dẫn tận dụng những nguyên vật liệu, phế liệu từ thiên nhiên và có sẵn ở địa phương.
– Trên thị trường có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non, đa dạng về hình dáng màu sắc, phong phú về chủng loại. Nhưng không phải các loại đồ dùng, đồ chơi mua sẵn lúc nào cũng đẹp, lúc nào cũng tốt, chúng không phong phú về chất liệu mà lại tốn kém về kinh phí. Hơn nữa không phải trường mầm non nào cũng có đủ điều kiện để mua tất cả các đồ dùng, đồ chơi có sẵn để phục vụ nhu cầu của trẻ, đặc biệt trẻ lại thích cái đẹp, cái mới lạ, thích khám phá. Để đáp ứng nhu cầu của trẻ ngoài bộ đồ dùng đồ chơi được mua sẵn, được cấp . Tôi đã chuẩn bị thêm đồ dùng, học liệu đa dạng, hấp dẫn, tận dụng phế liệu và vật liệu từ thiên nhiên để trẻ hoạt động hứng thú, tích cực hơn.
( Hình 10: Hình các đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải )
– Muốn cho trẻ hoạt động hiệu quả, tích cực thì ngay từ đầu năm học tôi đã lên kế hoạch cho việc làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ ở các góc, không làm một cách chung chung mà vạch ra rõ ràng cụ thể cho việc làm đồ dùng đồ chơi.
– Kế hoạch cụ thể trước tiên tôi rà sót lại đồ dùng đồ chơi trong lớp, những đồ dùng nào có thể mua sắm, những đồ dùng nào cần làm bổ sung thì tôi bổ sung từ từ theo từng chủ đề, đồ chơi nào cần thiết bổ sung trước.
– Ngoài những đồ dùng đồ chơi mua sẵn tôi đã tận dụng các nguyên vật liệu, phế liệu có sẵn ở địa phương dễ kiếm, dễ tìm như: Bìa carton, xốp, đĩa CD cũ, giấy màu, chai nhựa, vỏ hộp sữa chua, vải vụn, vỏ sò, vỏ hến, vỏ óc, hạt gấc, hạt xoài, vỏ cây, lá cây,….Tất cả những nguyên vật liệu này cần đảm bảo tính an toàn, không gây độc hại, không sắc nhọn, không nặng nề đối với trẻ.
– Từ những nguyên vật liệu trên tôi đã làm ra rất nhiều đồ dùng, đồ chơi ở các góc cho trẻ.
+ Ví dụ: Tôi dùng dùng chai hộp nhựa làm ra một số đồ dùng trong gia đình bàn, ghế, ly uống nước, chén, bình thủy,…Từ vỏ hộp sữa tôi cắt dán thành đoàn tàu, ô tô, máy bay…
– Cũng từ những nguyên vật liệu đó, trẻ sử dụng trong giờ hoạt động góc và trẻ làm ra những sản phẩm như: Trẻ dùng vỏ chai nước C2, trà xanh để xếp hàng rào, chơi ném vòng cổ chai, đựng cát nước, dùng lá cây khô làm con cào cào, đồng hồ, vòng đeo tay….
– Đồ dùng học liệu tôi không chỉ tự mình chuẩn bị mà còn khuyến khích trẻ tham gia chuẩn bị. Việc chuẩn bị đồ dùng học liệu được tôi phân loại theo chất liệu, chủng loại bằng cách tôi chuẩn bị trước những hộp học liệu có đánh dấu kí hiệu để trẻ sưu tầm và mang đến bỏ vào hộp theo đúng kí hiệu.
+ Ví dụ: Hộp có hình lá cây là hộp để trẻ bỏ lá cây khô như lá dừa, lá chuối, lá mít, lá cây keo, lõi ngô, bẹ ngô,…Hộp màu đỏ để trẻ bỏ sỏi, đá. Hộp màu vàng để đựng băng, đĩa củ. Hộp màu xanh để đựng chai nhựa, vỏ hộp sữa chua,….
– Những loại nguyên vật liệu, học liệu được cô và trẻ sưu tầm, phân loại theo chất liệu chủng loại sau đó cô tiếp tục phân loại theo mục đích sử dụng, phân theo góc chơi, chủ đề chơi,….
+ Ví dụ: Lá cây, lõi ngô, bẹ ngô, đĩa CD tôi bố trí ở góc nghệ thuật để trẻ hoạt động. Các loại hột hạt, vỏ ngao, hến, băng dính nhám thì để ở góc học tập,…Góc phân vai, xây dựng, khám phá khoa học được chuẩn bị những hộp sữa, vỏ nhựa, hột hạt….
– Những đồ dùng học liệu đó không để cố định ở một góc nào, cũng không áp đặt trẻ cách sử dụng mà có thể thay đổi vị trí, mục đích và cách sử dụng tùy vào sự sáng tạo, ý tưởng của trẻ theo chủ đề.
– Qua việc chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi làm từ những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương tôi nhận thấy đồ dùng cho trẻ hoạt động của lớp tăng lên về số lượng, phong phú đa dạng về màu sắc, chủng loại, chất liệu, kiểu dáng,…Trẻ hứng thú, tích cực hơn nhiều trong các hoạt động. Qua đó còn giáo dục trẻ biết tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
* Tạo cơ hội, khuyến khích trẻ có thể sử dụng các nguyên vật liệu ở các góc chơi sáng tạo theo nhiều cách khác nhau.
– Đối với trẻ mầm non, đồ dùng đồ chơi là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Thông qua đồ dùng đồ chơi trẻ có thể tìm tòi, khám phá, trẻ được thao tác với các đồ vật. Những đồ chơi mua sẵn trẻ chơi máy móc, nhàm chán không sáng tạo. Tạo cơ hội, khuyến khích trẻ có thể sử dụng nguyên vật liệu, học liệu các góc chơi theo nhiều cách sáng tạo khác nhau, qua đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
– Từ những học liệu, đồ dùng, đồ chơi cô và trẻ chuẩn bị ở các góc, tôi gợi ý, hướng dẫn trẻ sử dụng, chơi sáng tạo bằng nhiều cách khác nhau.
+ Ví dụ: – Ở góc học tập tôi bố trí các hộp bóng kín, keo dính nhám, chử số hình ảnh, lô tô theo từng chủ đề khác nhau để có thể thay đổi tùy sự sáng tạo của trẻ. Khi trẻ chơi tìm, nhận biết chữ số trẻ có thể tìm đồ dùng theo yêu cầu và đính lên. Từ những hạt trong thiên nhiên như hạt gấc, hạt na, vỏ hến, sỏi, đá,…Tôi hướng dẫn trẻ chơi xếp chữ số, xếp hình con vật, hoa, cây lá tùy vào nội dung chơi, tùy vào ý tưởng và khả năng sáng tạo của trẻ.
– Ở góc thiên nhiên: Hôm nay cô cho trẻ đến tham quan vườn hoa mùa xuân. Cũng từ các chậu cây đó ngày mai cô và trẻ chăm sóc, tưới nước cho cây, ngày tiếp theo tôi lại hướng dẫn trẻ quan sát khám phá về sự thay đổi phát triển của cây so với hôm qua, khuyến khích trẻ trang trí cho vườn hoa thêm đẹp mới lạ hơn với những đồ dùng do cô chuẩn bị và lựa chọn.
– Ở góc nghệ thuật trẻ thỏa sức chơi, sáng tạo với những học liệu chuẩn bị sẵn, trẻ vẽ tranh, nặn, làm các con vật từ hộp, chai nhựa như con ong, con bướm…Từ đĩa CD trẻ cắt dán tạo ra con cá, các con vật ngộ nghĩnh như: Con gấu, thỏ, Lá cây khô trẻ cắt thành hình con bướm, bông hoa, con chuồn chuồn, con nghé,…
– Góc xây dựng ngoài chơi với những đồ chơi mua sẵn trẻ còn tự tạo ra các đồ chơi cùng cô như: Cây xanh, tôi chuẩn bị cành cây trẻ tự gắn lá cây lên cành hoặc gắn hoa, quả…(Chơi chủ đề thế giới thực vật). Trẻ dùng những phế liệu như hộp comfort, hộp xà phòng làm thành ô tô, máy bay, tàu,…Trẻ dùng những sản phẩm đó trong quá trình chơi một cách phù hợp hiệu quả, sáng tạo. Chơi luật lệ giao thông, dùng ô tô để chở vật liệu xây dựng, chở hàng hóa,… Các hộp sữa trẻ dùng để xây hàng rào, xếp tháp.
– Tạo cơ hội khuyến khích trẻ có thể sử dụng nguyên vật liệu, học liệu các góc chơi theo nhiều cách sáng tạo khác nhau, kỹ năng chơi của trẻ được rèn luyện và phát triển, trẻ sáng tạo, sản phẩm trẻ tạo ra phong phú, đa dạng.
Biện pháp 6: Phối kết hợp với cha mẹ học sinh
– Trong các hoạt động ở trường mầm non thì hoạt động nào cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Để phụ huynh giúp đỡ, hỗ trợ, hợp tác một cách tích cực, tự giác và có hiệu quả thì vào buổi họp phụ huynh đầu năm học tôi đã thông qua chương trình giảng dạy của lớp, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đối với trẻ mầm non hiện nay đặc biệt là thực trạng của lớp để phụ huynh có ý kiến đóng góp về ý tưởng, công sức, tiền của.
– Ở bảng tuyên truyền của lớp tôi thông báo rõ thời gian biểu, kế hoạch giảng dạy, chủ đề lớn, chủ đề nhánh, trao đổi trực tiếp với phụ huynh trong các giờ đón và trả trẻ. Tôi mời phụ huynh tham quan lớp, tham quan triển lãm đồ dùng đồ chơi do tôi và trẻ tự làm, mời phụ huynh dự giờ một số hoạt động để phụ huynh hiểu rõ sự cần thiết của việc trang trí môi trường và việc làm đồ dùng, đồ chơi cũng như trong công tác nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục trẻ ở trường mầm non. Từ đó, phụ huynh tự nguyện đóng góp nhiều loại sách báo, tranh ảnh, cây xanh ở góc thiên nhiên, các loại nguyên vật liệu trong gia đình có thể tái sử dụng được như chai nhựa, vỏ hộp.
( Hình 11: Hình ảnh góc tuyên truyền)
– Ngoài việc phối kết hợp với cha mẹ học sinh trong việc sưu tầm nguyên vật liệu, tôi còn vận động cha mẹ trẻ cho trẻ đi tham quan những khu vui chơi giải trí để tạo cho trẻ nhiều kinh nghiệm sống. Từ đó, trẻ có thêm nhiều hiểu biết về đời sống xung quanh trẻ. Ngoài ra trong quá trình giáo dục trẻ, những bài tập thực hiện trên lớp chưa hoàn chỉnh thì tôi cho trẻ mang về nhà và nhờ cha mẹ rèn luyện thêm cho trẻ.
– Các cuộc họp phụ huynh hàng quý tôi thường nêu gương những phụ huynh nhiệt tình, sáng tạo cùng với giáo viên làm đồ dùng đồ chơi để tạo thêm động lực cho phụ huynh trong việc phối kết hợp với giáo viên nhằm thực hiện tốt việc chăm sóc giáo dục các cháu.
4.5 Chứng minh khả năng áp dụng của sáng kiến tại cơ sở:
Theo tôi những biện pháp tôi thực hiện tại lớp rất khả thi tại trường và có thể nhận rộng trên địa bàn toàn huyện.
5- Những thông tin cần được bảo mật (nếucó): Không
6- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:
Sau một năm học nghiên cứu và áp dụng đề tài: “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi ” tôi đã thu được một số kết quả như sau:
1. Về phía trẻ
– Trẻ hồn nhiên mạnh dạn trong mọi hoạt động, hứng thú, tham gia tích cực vào các hoạt động, phát huy được tính tích cực, mở rộng được sự hiểu biết trong các hoạt động chung, giờ hoạt động góc, trẻ biết thể hiện ý kiến, ý định của mình với cô giáo và các bạn trong từng hành động, lời nói, kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ, trí tưởng tượng trong từng sản phẩm…
2. Về cha mẹ học sinh
– Các bậc phụ huynh có nhận thức sâu sắc về chương trình giáo dục mầm non, luôn có sự phối hợp với giáo viên trong công tác nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ.
– Tin tưởng gửi con vào nhà trường, quan tâm đến chương trình học của trẻ và có nhu cầu học tập. Nhiệt tình sưu tầm ủng hộ nhà trường đồ dùng, đồ chơi sẵn có ở địa phương, tạo môi trường học tập thuận lợi cho nhà trường.
3. Về giáo viên
– Qua một thời gian tìm tòi nghiên cứu các biện pháp thích hợp, lớp tôi đã có một kết quả rất tốt. Có được kết quả như vậy đó là sự nỗ lực phấn đấu của bản thân tôi kết hợp với đồng nghiệp đặc biệt ban giám hiệu nhà trường luôn sát cánh cùng tôi cải tiến, đổi mới những biện pháp, hình thức sao cho phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ để có được kết quả như vậy tôi đã rút ra những kinh nghiệm sau:
– Có thêm kinh nghiệm trong công tác nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ.
– Được nhà trường và đồng nghiệp phụ huynh tin tưởng, đánh giá cao, học sinh yêu quý, kính trọng.
– Biết cách sắp xếp môi trường học tập phù hợp với độ tuổi, biết lồng ghép đan xen giữa các hoạt động, say mê sưu tầm và sử dụng sáng tạo các vật liệu sẵn có vào từng hoạt động học và các hoạt động khác, biết lựa chọn đổi mới phương pháp linh hoạt đáp ứng theo yêu cầu của hoạt động theo từng chủ đề.
– Nắm vững phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, tự tin khi thực hiện các hoạt động chăm sóc giáo dục, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện kế hoạch.
7- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử (lợi ích kinh tế, xã hội so với trường hợp không áp dụng giải pháp đó ; hoặc so với những giải pháp tương tự đã biết ở cơ sở hoặc số tiền làm lợi):
Đối với chúng tôi thực hiện đạt kết quả trên trẻ , trẻ có kỹ năng tốt cho tương lai mai sau.
8- Danh sách những người đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có):
Tôi (chúng tôi) xin cam đoan mọi thông tin nêu trong đơn là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Xác nhận và đề nghị của
cơ quan, đơn vị tác giả công tác

Nguyễn Thị Tài Đại Đồng, ngày 05 tháng 3 năm 2020. Người nộp đơn

Ông Thị Trúc

Hình 1: Hình ảnh đăng ký thao giảng hoạt động LQVH.

Hình 2: Hình ảnh góc xây dựng

Hình 3: Hình ảnh góc phân vai

Hình 4: Hình ảnh góc sách

Hình 5: Hình ảnh góc học tập

( Hình 6: Hình ảnh góc thiên nhiên )

( Hình 7: Hình ảnh góc cùng bé vận động )

( Hình 8: Hình ảnh trên cửa chính )

(Hình 9: Hình ảnh góc chủ đề)

( Hình 10: Hình các đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải )

Cảm nhận của Phụ huynh

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu – Phụ huynh bé: Nguyễn Huỳnh Linh Đan – Lớp lớn

Con tôi rất nhút nhát, do công việc bận rộn gia đình cũng không có thời gian để tạo điều kiện cho bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên bé ngại giao tiếp hơn. Do đó khoảng thời gian đầu cho bé đi học là quãng thời gian khó khăn cho cả bé và gia đình. Tôi đã từng khóc khi thấy bé đứng thút thít do không thuộc những động tác thể dục buổi sáng… Thời gian trôi thật mau, giờ bé đã nên người và tự tin hơn rất nhiều, bé lại có thể phát huy được năng khiếu múa hát. Tất cả là nhờ sự yêu thương, gần gũi của các cô đã làm cho bé tìm được niềm vui khi đến lớp.